BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2017/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2017 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha, ký tại Man-đrít ngày 18 tháng 9 năm 2015, có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 08 tháng 7 năm 2017.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.
TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha (sau đây gọi là “các Bên”);
Mong muốn duy trì và củng cố các mối quan hệ giữa hai nước;
Mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả hơn giữa hai Bên trong việc phòng ngừa, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm hình sự, đặc biệt trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố;
Mong muốn nâng cao quan hệ hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề hình sự giữa hai Bên phù hợp với pháp luật của mỗi nước;
Đã thỏa thuận như sau:
PHẦN I
QUY ĐỊNH CHUNG
ĐIỀU 1
PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Hiệp định này nhằm điều chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp giữa cơ quan có thẩm quyền của các Bên liên quan đến các vấn đề hình sự.
2. Phù hợp với quy định của Hiệp định này và pháp luật của mỗi Bên, các Bên dành cho nhau sự tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể trong việc phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm hình sự và các hoạt động khác về hình sự thuộc phạm vi nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu tại thời điểm đưa ra yêu cầu tương trợ.
3. Hiệp định này không áp dụng để:
a) bắt người nhằm mục đích dẫn độ hoặc theo yêu cầu dẫn độ;
b) thi hành các quyết định của tòa án hình sự, bao gồm cả việc chuyển giao người bị kết án;
c) tương trợ trực tiếp với cá nhân hay một Nước thứ ba.
4. Hiệp định này chỉ nhằm mục đích tương trợ giữa các Bên. Các điều khoản của Hiệp định không trao quyền cho bất kỳ cá nhân hoặc thể nhân nào trong việc thu thập, loại bỏ hoặc loại trừ chứng cứ hay ngăn cản việc thực hiện một yêu cầu tương trợ.
ĐIỀU 2
CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG
1. Mỗi Bên chỉ định một Cơ quan trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp gửi và nhận các yêu cầu tương trợ theo Hiệp định này.
2. Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan trung ương của Vương quốc Tây Ban Nha là Bộ Tư pháp. Mỗi Bên có thể thay đổi Cơ quan trung ương đã được chỉ định và thông báo cho Bên kia qua kênh ngoại giao.
3. Vì mục đích của Hiệp định này, các Cơ quan trung ương sẽ liên hệ trực tiếp với nhau, cố gắng sử dụng công nghệ mới nhằm giải quyết các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ.
4. Ngoài ra, các Bên có thể sử dụng kênh ngoại giao để chuyển hoặc nhận yêu cầu tương trợ hoặc các thông tin về thực hiện yêu cầu tương trợ trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án.
ĐIỀU 3
PHẠM VI TƯƠNG TRỢ
Tương trợ tư pháp bao gồm:
a) xác định địa điểm và nhận dạng người;
b) tống đạt tài liệu tư pháp;
c) thu thập chứng cứ, bao gồm cả việc lấy lời khai;
d) thực hiện lệnh khám xét và thu giữ;
e) tống đạt giấy triệu tập để đạt được sự đồng thuận của người được đề nghị cung cấp chứng cứ hoặc hỗ trợ điều tra tại Bên yêu cầu, và trường hợp người đó đang bị giam giữ thì tổ chức chuyển giao tạm thời người đó sang Bên yêu cầu;
f) khám xét, phong tỏa, thu giữ và tịch thu tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội;
g) chuyển giao đồ vật bao gồm cả việc trao trả đồ vật và chứng cứ cho mượn để xuất trình tại tòa án;
h) trao đổi thông tin về tội phạm và thủ tục tố tụng hình sự tại Bên được yêu cầu;
i) trao đổi thông tin về tiền án, tiền sự của công dân của Bên kia;
j) chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự;
k) các hình thức tương trợ khác phù hợp với mục đích của Hiệp định này và không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu.
ĐIỀU 4
TỪ CHỐI TƯƠNG TRỢ
1. Bên được yêu cầu sẽ từ chối tương trợ trong các trường hợp sau:
a) nếu yêu cầu không phù hợp với điều ước quốc tế mà Bên được yêu cầu là thành viên và quy định của pháp luật Bên được yêu cầu;
b) nếu việc thực hiện yêu cầu có thể gây phương hại đến chủ quyền, an ninh, trật tự công cộng hay các lợi ích chung thiết yếu khác;
c) nếu yêu cầu tương trợ liên quan đến việc truy tố một người về một tội phạm mà người đó đã bị kết án, được tuyên vô tội, được đại xá hoặc đặc xá ở Bên được yêu cầu hoặc người đó không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do hết thời hiệu nếu tội phạm đó thực hiện trong phạm vi thẩm quyền xét xử của Bên được yêu cầu;
d) nếu hành vi liên quan đến yêu cầu không cấu thành tội phạm theo pháp luật Bên được yêu cầu;
e) nếu yêu cầu liên quan đến tội phạm bị áp dụng hình phạt tử hình trên lãnh thổ của Bên yêu cầu nhưng tội phạm đó trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu không bị tuyên phạt hình phạt tử hình hoặc nhìn chung không áp dụng hình phạt này, trừ trường hợp Bên yêu cầu đưa ra cam kết mà Bên được yêu cầu thấy thỏa đáng rằng hình phạt tử hình sẽ không được tuyên, hoặc nếu tuyên thì sẽ không được thi hành.
2. Bên được yêu cầu có thể từ chối tương trợ trong các trường hợp sau:
a) nếu yêu cầu liên quan đến tội phạm có tính chất chính trị. Theo đó, tội phạm khủng bố hay bất cứ loại tội phạm nào khác mà Bên được yêu cầu có thể xem xét loại trừ khỏi nhóm tội này, căn cứ vào một Điều ước quốc tế mà Bên được yêu cầu là thành viên không công nhận loại tội phạm đó “có tính chất chính trị”;
b) nếu yêu cầu liên quan đến tội phạm theo luật quân sự mà không phải là tội phạm theo pháp luật hình sự thông thường;
c) nếu có đủ căn cứ tin rằng yêu cầu tương trợ được lập vì mục đích điều tra, truy tố hoặc xét xử một người vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, dân tộc, quan điểm chính trị hay giới tính, hoặc nhằm mục đích làm cho người đó bị phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào hoặc tình trạng của người đó có thể bị ảnh hưởng bởi một trong các lý do này;
d) nếu Bên yêu cầu không thể tuân thủ các điều kiện liên quan đến bảo mật hoặc hạn chế sử dụng thông tin được cung cấp theo quy định tại Điều 8.
3. Bên được yêu cầu có thể hoãn tương trợ nếu việc thực hiện yêu cầu có thể cản trở hoạt động điều tra hay hoạt động tố tụng khác đang tiến hành tại Bên được yêu cầu.
4. Trước khi từ chối hoặc hoãn tương trợ theo Điều này, Bên được yêu cầu, thông qua Cơ quan trung ương:
a) phải thông báo kịp thời cho Bên yêu cầu lý do từ chối hay hoãn tương trợ; và
b) phải trao đổi với Bên yêu cầu để xác định liệu việc tương trợ có thể được thực hiện theo thời gian và với điều kiện cần thiết do Bên được yêu cầu đưa ra.
5. Nếu Bên yêu cầu chấp nhận việc tương trợ được thực hiện theo thời gian và các điều kiện quy định tại khoản 4(b) thì phải tuân thủ thời gian và các điều kiện đó.
PHẦN II
THỦ TỤC VÀ VIỆC THỰC HIỆN YÊU CẦU TƯƠNG TRỢ
ĐIỀU 5
HÌNH THỨC YÊU CẦU TƯƠNG TRỢ
1. Yêu cầu tương trợ phải được thể hiện bằng văn bản và có chữ ký của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, yêu cầu có thể được gửi qua fax, thư điện tử hay các hình thức khác đảm bảo chuyển hóa được thành văn bản thể hiện nội dung yêu cầu. Yêu cầu trong trường hợp này phải được xác nhận bằng việc gửi văn bản yêu cầu gốc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày gửi yêu cầu theo các hình thức nói trên.
2. Yêu cầu tương trợ và các tài liệu kèm theo phải được dịch sang ngôn ngữ của Bên được yêu cầu hoặc tiếng Anh.
ĐIỀU 6
NỘI DUNG YÊU CẦU TƯƠNG TRỢ
1. Yêu cầu tương trợ phải bao gồm các thông tin sau đây:
a) tên và thông tin liên hệ của cơ quan tiến hành điều tra hay hoạt động tố tụng liên quan đến yêu cầu;
b) mô tả về vụ án và việc điều tra hay hoạt động tố tụng, bao gồm cả tóm tắt hành vi phạm tội cụ thể có liên quan;
c) mô tả chi tiết nhất có thể các chứng cứ, thông tin hay nội dung khác cần được tương trợ;
d) nêu mục đích của yêu cầu tương trợ đối với chứng cứ, thông tin hay các nội dung khác cần thu thập và mối liên hệ của chúng với các tình tiết của vụ án đang được điều tra;
e) nêu hoặc trích dẫn điều luật có liên quan, bao gồm cả hình phạt áp dụng làm căn cứ của các hoạt động điều tra hoặc thủ tục tố tụng.
2. Khi phù hợp, yêu cầu tương trợ có thể bao gồm:
a) thông tin về nhận dạng và chỗ ở của người là đối tượng của yêu cầu;
b) mô tả mối quan hệ của người đó với hoạt động điều tra hay tố tụng, và nếu có thể, nêu rõ hình thức cần tống đạt hoặc lấy lời khai;
c) danh sách các câu hỏi đối với người làm chứng hoặc mô tả chi tiết vấn đề mà người làm chứng sẽ được thẩm vấn;
d) thông tin bằng văn bản về an toàn, chỗ ở, điều kiện đi lại, sinh hoạt phí và chi phí, thời hạn hay các điều kiện cụ thể khác liên quan đến sự có mặt của một người ở Bên được yêu cầu tại Bên yêu cầu;
e) mô tả chi tiết địa điểm hay người cần khám xét, đồ vật cần thu giữ và tài sản cần thu giữ hoặc tịch thu;
f) các yêu cầu liên quan đến bảo mật đối với yêu cầu tương trợ;
g) mô tả về thủ tục đặc biệt mà Bên yêu cầu muốn được thực hiện trong quá trình thực hiện yêu cầu;
h) danh sách những người có thẩm quyền của Bên yêu cầu sẽ tham gia vào quá trình thực hiện yêu cầu tại Bên được yêu cầu và mục đích, thời gian và lịch trình dự định;
i) thời gian cần thiết phải thực hiện yêu cầu, nếu trong trường hợp khẩn cấp thì phải nêu lý do;
j) các thông tin khác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Bên được yêu cầu trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ.
ĐIỀU 7
THỰC HIỆN YÊU CẦU TƯƠNG TRỢ
1. Yêu cầu tương trợ được gửi trực tiếp đến Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu. Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu phải nhanh chóng thực hiện yêu cầu hoặc chuyển yêu cầu đó đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.
2. Bên được yêu cầu phải thông báo kịp thời cho Bên yêu cầu về tình huống có thể dẫn đến việc thực hiện yêu cầu bị trì hoãn đáng kể.
3. Trong trường hợp quy định tại Điều 4, Bên được yêu cầu phải thông báo kịp thời cho Bên yêu cầu về các lý do hoãn hoặc từ chối thực hiện yêu cầu và các điều kiện để yêu cầu có thể được thực hiện.
4. Trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ, Bên được yêu cầu phải nỗ lực duy trì tính bảo mật theo quy định tại Điều 8.
ĐIỀU 8
BẢO MẬT VÀ HẠN CHẾ SỬ DỤNG THÔNG TIN
1. Theo đề nghị của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu phải đảm bảo tính bảo mật đối với yêu cầu tương trợ, nội dung yêu cầu, các tài liệu kèm theo cũng như các hoạt động khác được thực hiện theo yêu cầu tương trợ. Nếu yêu cầu không thể thực hiện được mà không vi phạm tính bảo mật thì Bên được yêu cầu phải thông báo việc này cho Bên yêu cầu để quyết định có tiếp tục yêu cầu tương trợ trong điều kiện tính bảo mật không được đảm bảo hay không.
2. Theo đề nghị của Bên được yêu cầu, Bên yêu cầu phải đảm bảo tính bảo mật đối với chứng cứ và thông tin được cung cấp trong quá trình thực hiện yêu cầu, ngoại trừ các chứng cứ và thông tin cần thiết cho hoạt động tố tụng hoặc điều tra được nêu trong yêu cầu.
3. Bên được yêu cầu có thể thực hiện yêu cầu dựa trên các điều khoản hay điều kiện cụ thể liên quan tới việc sử dụng thông tin hay chứng cứ. Trong mọi trường hợp, Bên yêu cầu không được sử dụng chứng cứ được thu thập vào mục đích khác ngoài các mục đích được nêu trong yêu cầu mà không có đồng ý trước của cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu.
ĐIỀU 9
PHÁP LUẬT ÁP DỤNG
1. Việc thực hiện yêu cầu tương trợ phải được tiến hành theo pháp luật của Bên được yêu cầu và các quy định của Hiệp định này.
2. Theo đề nghị của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu, trong quá trình thực hiện yêu cầu, phải tuân thủ các trình tự, thủ tục đặc biệt được nêu trong yêu cầu nếu không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu.
ĐIỀU 10
THÔNG TIN VỀ YÊU CẦU TƯƠNG TRỢ
1. Theo đề nghị của Cơ quan trung ương của Bên yêu cầu, Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu phải cung cấp các thông tin về cách thức yêu cầu được thực hiện hoặc tiến độ thực hiện tương trợ.
2. Cơ quan trung ương cửa Bên được yêu cầu phải chuyển mọi thông tin và chứng cứ thu thập được cho Bên yêu cầu.
3. Khi Bên được yêu cầu không thể thực hiện hoặc chỉ thực hiện được một phần yêu cầu, Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu phải thông báo kịp thời cho Cơ quan trung ương của Bên yêu cầu về việc này và các lý do kèm theo.
ĐIỀU 11
CHI PHÍ
Bên được yêu cầu phải chịu mọi chi phí thực hiện yêu cầu trừ các chi phí dưới đây do Bên yêu cầu chi trả:
a) chi phí gắn với việc chuyên chở người đến hoặc đi từ lãnh thổ của Bên được yêu cầu và các khoản thù lao, sinh hoạt phí, chi phí mà người đó được hưởng trong thời gian có mặt tại Bên yêu cầu theo yêu cầu tương trợ quy định tại Điều 14 và Điều 15 Hiệp định này;
b) chi phí gắn với việc chuyên chở của nhân viên dẫn giải hoặc hộ tống;
c) chi phí liên quan đến giám định;
d) chi phí liên quan đến việc phiên dịch, biên dịch và sao chép tài liệu và thu thập chứng cứ bằng hình ảnh qua cầu truyền hình hoặc các phương tiện kỹ thuật khác từ Bên được yêu cầu đến Bên yêu cầu;
e) chi phí bất thường phát sinh trong quá trình thực hiện yêu cầu khi Bên được yêu cầu đề nghị.
PHẦN III
HÌNH THỨC TƯƠNG TRỢ
ĐIỀU 12
TỐNG ĐẠT
1. Nếu mục đích của yêu cầu tương trợ là tống đạt giấy tờ tư pháp thì cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu phải thực hiện việc tống đạt nói trên theo pháp luật tố tụng của nước mình.
2. Nếu mục đích của yêu cầu tương trợ là chuyển giao đồ vật hoặc tài liệu thì cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu phải thực hiện việc chuyển giao đồ vật hoặc tài liệu nói trên do Bên yêu cầu gửi đến.
3. Việc tống đạt được thực hiện theo một trong các hình thức được quy định trong pháp luật của Bên được yêu cầu hoặc theo hình thức do Bên yêu cầu đề nghị nếu không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu.
4. Việc chuyển giao đồ vật hoặc tài liệu phải được xác nhận bằng biên bản giao nhận thể hiện ngày tháng và chữ ký của người nhận hoặc bằng văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nêu rõ thủ tục chuyển giao đã được thực hiện. Biên bản giao nhận hay văn bản xác nhận được gửi cho Bên yêu cầu. Trong trường hợp việc chuyển giao đồ vật, tài liệu không thể thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.
ĐIỀU 13
SỰ CÓ MẶT TRÊN LÃNH THỔ CỦA BÊN ĐƯỢC YÊU CẦU
1. Một người đang trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu và được triệu tập để đưa ra lời khai, cung cấp chứng cứ hay kết luận giám định phải có mặt tại cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu theo pháp luật của Bên được yêu cầu. Bên được yêu cầu gửi giấy triệu tập cho người này kèm theo chế tài theo quy định của pháp luật Bên được yêu cầu.
2. Cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu, dưới sự kiểm soát của mình, có thể cho phép người có thẩm quyền của Bên yêu cầu được nêu trong yêu cầu tương trợ có mặt trong quá trình thực hiện yêu cầu và có thể cho phép họ được đặt câu hỏi. Việc lấy lời khai phải được tiến hành theo thủ tục tố tụng của pháp luật Bên được yêu cầu hoặc, không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu, theo cách thức đặc biệt do Bên yêu cầu đề nghị.
3. Trong trường hợp quy định tại khoản trên, Bên được yêu cầu, trong một thời hạn hợp lý, phải gửi cho Bên yêu cầu thông báo trước về thời gian và địa điểm tiến hành thực hiện yêu cầu tương trợ. Nếu cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền của các Bên tham vấn với nhau thông qua Cơ quan trung ương để thống nhất về thời gian cho các cơ quan có thẩm quyền của các Bên.
4. Nếu người quy định tại khoản 1 tuyên bố có quyền miễn trừ, được hưởng đặc quyền hoặc không có năng lực hành vi theo pháp luật của Bên được yêu cầu, thì cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu phải xác định tính hợp pháp của tuyên bố đó trước khi thực hiện yêu cầu và thông báo quyết định nêu trên cho Bên yêu cầu thông qua Cơ quan trung ương.
5. Nếu người quy định tại khoản 1 tuyên bố có quyền miễn trừ, được hưởng đặc quyền hoặc không có năng lực hành vi theo pháp luật Bên yêu cầu, thì cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu về việc này thông qua Cơ quan trung ương để tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu áp dụng các biện pháp phù hợp.
ĐIỀU 14
SỰ CÓ MẶT TRÊN LÃNH THỔ CỦA BÊN YÊU CẦU
1. Nếu cơ quan tư pháp của Bên yêu cầu đề nghị sự có mặt của một người tại lãnh thổ của mình để cung cấp chứng cứ hay thông tin khác, thì đề nghị này cần được nêu rõ trong yêu cầu tương trợ. Các cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu sẽ mời người đó có mặt tại cơ quan chức năng trên lãnh thổ của Bên yêu cầu và thông báo cho Bên yêu cầu về trả lời của người này trong thời gian sớm nhất có thể.
2. Yêu cầu triệu tập một người có mặt tại cơ quan chức năng của Bên yêu cầu phải được Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu tiếp nhận ít nhất chín mươi (90) ngày trước ngày người đó cần có mặt trên lãnh thổ của Bên yêu cầu. Trong trường hợp khẩn cấp, Bên được yêu cầu có thể không áp dụng thời hạn này.
3. Yêu cầu triệu tập theo quy định tại Điều này có thể không kèm theo chế tài hay điều khoản xử phạt; nếu có thì các chế tài hay điều khoản xử phạt đó sẽ không có hiệu lực trong trường hợp người được triệu tập không có mặt.
4. Trong yêu cầu tương trợ, cơ quan chức năng của Bên yêu cầu phải nêu đầy đủ các chi phí mà họ phải chi trả.
ĐIỀU 15
SỰ CÓ MẶT CỦA NGƯỜI ĐANG BỊ GIAM GIỮ TẠI CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CỦA BÊN YÊU CẦU
1. Người đang bị giam giữ trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu và sự có mặt của người đó tại Bên yêu cầu là cần thiết với tư cách là người làm chứng hoặc người giám định vì mục đích tương trợ theo quy định của Hiệp định này có thể, trên cơ sở đề nghị của Bên yêu cầu, được chuyển giao đến lãnh thổ của Bên yêu cầu với điều kiện người đó tự nguyện và Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu đồng ý. Nếu người bị giam giữ không tự nguyện thì họ không phải chịu bất kỳ chế tài hay hình phạt nào.
2. Việc chuyển giao có thể bị từ chối khi người bị giam giữ đang cần thiết cho các thủ tục tố tụng hình sự trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu, khi việc chuyển giao có thể làm kéo dài thời gian giam giữ hoặc vì một lý do khác mà Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu cho rằng việc chuyển giao là không phù hợp.
3. Cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu phải giam giữ người được chuyển giao trong toàn bộ thời gian người đó có mặt tại lãnh thổ của Bên yêu cầu. Thời gian người đó bị giam giữ trên lãnh thổ của Bên yêu cầu sẽ được trừ vào thời hạn giam giữ mà người đó phải chấp hành. Nếu cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu thông báo cho Bên yêu cầu rằng người này đã hết thời hạn bị giam giữ thì người đó phải được trả tự do ngay và được đối xử như người được quy định tại Điều 14 Hiệp định này.
4. Cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu phải trao trả người được chuyển giao trong khoảng thời gian do Bên được yêu cầu xác định và, trong mọi trường hợp, khi sự có mặt của người đó tại lãnh thổ của Bên yêu cầu là không còn cần thiết.
ĐIỀU 16
LẤY LỜI KHAI QUA CẦU TRUYỀN HÌNH
Các Bên có thể thỏa thuận về việc lấy lời khai qua cầu truyền hình căn cứ vào các điều kiện trong từng vụ án cụ thể.
ĐIỀU 17
MIỄN TRỪ
1. Người có mặt tại cơ quan tư pháp của Bên yêu cầu theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Hiệp định này, bất kể người đó mang quốc tịch gì, sẽ không bị truy tố, bắt giam hay bị tước quyền tự do cá nhân trên lãnh thổ của Bên yêu cầu về hành vi hoặc kết tội xảy ra trước khi họ rời khỏi lãnh thổ của Bên được yêu cầu.
2. Quy định miễn trừ tại Điều này sẽ ngừng áp dụng vào thời điểm người này có cơ hội rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu nhưng vẫn ở lại trong 15 ngày liên tiếp sau khi đã được thông báo chính thức bởi cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu rằng sự có mặt của người đó là không cần thiết nữa, hoặc người đó quay lại lãnh thổ của Bên yêu cầu sau khi đã rời khỏi.
ĐIỀU 18
TÀI SẢN DO PHẠM TỘI MÀ CÓ VÀ CÔNG CỤ, PHƯƠNG TIỆN PHẠM TỘI
1. Cơ quan có thẩm quyền của mỗi Bên, thông qua Cơ quan trung ương của mình, có thể yêu cầu xác định hay áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản do phạm tội mà có hoặc công cụ, phương tiện phạm tội được phát hiện trên lãnh thổ của Bên kia.
2. Bên được yêu cầu phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với tài sản và công cụ, phương tiện nêu trên theo quy định của pháp luật Bên được yêu cầu.
3. Bên được yêu cầu, theo quy định của pháp luật nước mình, phải chịu trách nhiệm giải quyết mọi yêu cầu liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình khi tài sản và công cụ, phương tiện này là đối tượng của các biện pháp cưỡng chế nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu có thể đưa ra khoảng thời gian hợp lý để áp dụng biện pháp cưỡng chế theo đề nghị căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
5. Vì mục đích của Hiệp định này, tài sản do phạm tội mà có là bất kỳ tài sản có nguồn gốc hoặc có được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội; và công cụ, phương tiện phạm tội là những tài sản, công cụ, phương tiện đã, đang hoặc có ý định được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
ĐIỀU 19
TRAO ĐỔI THÔNG TIN TỰ NGUYỆN
1. Không cần yêu cầu trước, các Bên có thể trao đổi thông tin về tội phạm hình sự nếu cho rằng thông tin đó có ích cho việc khởi tố, điều tra hay thủ tục tố tụng khác.
2. Bên cung cấp thông tin có thể đưa ra điều kiện về việc sử dụng thông tin cho Bên nhận thông tin. Việc tiếp nhận các thông tin nói trên đồng nghĩa với việc Bên nhận phải tuân thủ các điều kiện được đưa ra.
ĐIỀU 20
CHUYỂN GIAO TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
1. Thông qua Cơ quan trung ương, các Bên có thể chuyển giao việc truy cứu trách nhiệm hình sự cho các cơ quan tư pháp của Bên kia khi xét thấy Bên đó có điều kiện thuận lợi hơn để tiến hành việc điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.
2. Bên được yêu cầu phải thông báo cho Bên yêu cầu thủ tục tố tụng áp dụng đối với vụ án được chuyển giao và, nếu thấy phù hợp, gửi cho Bên yêu cầu bản sao quyết định được ban hành.
ĐIỀU 21
CHỨNG NHẬN VÀ CHỨNG TRỰC
Vì mục đích của Hiệp định này, các tài liệu được chuyển giao thông qua các Cơ quan trung ương không đòi hỏi bất kỳ hình thức chứng nhận, chứng thực hoặc hình thức tương tự nào khác.
ĐIỀU 22
THAM VẤN
Cơ quan trung ương của các Bên có thể tiến hành tham vấn nhằm thi hành Hiệp định này hiệu quả hơn và thống nhất các biện pháp thực tiễn cần thiết để hỗ trợ thi hành Hiệp định này.
ĐIỀU 23
GIẢI QUYẾT BẤT ĐỒNG
Mọi bất đồng giữa các Bên phát sinh từ việc giải thích từ ngữ hay thi hành Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng tham vấn giữa các Cơ quan trung ương. Trong trường hợp không thống nhất được giải pháp, bất đồng sẽ được giải quyết thông qua kênh ngoại giao.
PHẦN IV
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
ĐIỀU 24
MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC ĐIỀU ƯỚC HAY HÌNH THỨC HỢP TÁC KHÁC
1. Hiệp định này sẽ không cản trở các Bên trong việc tương trợ lẫn nhau theo các điều ước quốc tế khác mà các Bên là thành viên.
2. Hiệp định này sẽ không cản trở các Bên trong việc tăng cường các hình thức hợp tác khác phù hợp với quy định của pháp luật của các Bên.
ĐIỀU 25
HIỆU LỰC THI HÀNH
1. Các Bên sẽ thông báo cho nhau bằng công hàm ngoại giao khi hoàn tất các thủ tục theo quy định của pháp luật nước mình để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng bằng công hàm ngoại giao.
2. Hiệp định này được áp dụng đối với các yêu cầu sau khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả yêu cầu liên quan đến hành vi xảy ra trước khi Hiệp định có hiệu lực.
ĐIỀU 26
THỜI HẠN VÀ CHẤM DỨT HIỆP ĐỊNH
1. Hiệp định này có hiệu lực không thời hạn.
2. Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung khi cả hai Bên đồng ý và theo thủ tục để Hiệp định này có hiệu lực. Văn bản sửa đổi, bổ sung là một phần không thể tách rời của Hiệp định này.
3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này bằng văn bản thông qua kênh ngoại giao. Việc chấm dứt này có hiệu lực sau 6 tháng sau ngày thông báo. Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định không ảnh hưởng đến các yêu cầu tương trợ được lập theo Hiệp định này trước khi Hiệp định chấm dứt hiệu lực.
ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được Nhà nước của mình ủy quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.
Làm tại Madrid vào ngày 18 tháng 9 năm 2015 thành hai bộ bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, các bản có giá trị như nhau.
THAY MẶT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA | THAY MẶT VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA |
Trích nguồn văn bản: https://thuvienphapluat.vn/van...